Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Thời gian trôi đi nhanh quá, mới đó mà đời sinh viên cũng đã qua gần hết. Chỉ vài tháng ngắn ngủi nữa thôi, tôi - bạn lại phải xa nhau, xa mái trường, xa giảng đường, xa thầy cô, xa bạn bè, xa những điều đã kịp trở thành thân thương.

Nhưng đó là vài chuyện của vài tháng nữa. Còn bây giờ, tôi và bạn vẫn đang cố gắng để hoàn thành tốt đợt Thực tập của một sinh viên để trở thành một giáo viên. Có thể nói rằng “ Thực tập sư phạm” lần này là khoảng thời gian mà sinh viên chúng tôi mong chờ nhất nhưng cũng lo sợ nhất. Mong chờ vì đây là dịp để mỗi chúng tôi có thể thử sức mình, có thể vận dụng những kiến thức đã học trong gần 4 năm trên giảng đường vào thực tế, được thấy được nghe, được thực hành những điều trước nay vẫn còn trên sách vở. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian lo lắng nhất, lo lắng về kiến thức, về chuyên môn, lo lắng liệu mình có thể nhập vai tốt vào một người giáo viên thực thụ hay không. Nhớ lại buổi sáng thứ Hai của tuần 25 (Tuần 1), đoàn giáo sinh chúng tôi được về thực tập dưới mái trường THPT Lê Quý Đôn - nơi tôi từng theo học ngày trước. Cảm xúc ùa về trong tôi là kỉ niệm về thời áo trắng, trường vẫn vậy, có chăng là gốc bàng năm nào đã lớn hơn, ngôi trường trở nên sang trang và rộng lớn hơn. Lớp học ngày xưa vẫn còn đó nhưng chỗ ngồi ấy không còn là của tôi nữa, và những chỗ ngồi kế bên cũng không còn là của những đứa bạn tôi. Sau một tuần được tiếp xúc với lớp, với thầy cô, được hướng dẫn về công tác giảng dạy, chúng tôi bắt đầu với những tiết dạy đầu tiên. Không phải chỉ riêng với cá nhân tôi mà tôi tin là với tất cả những giáo sinh thì những cảm xúc về ngày đầu tiên đứng lớp sẽ không bao giờ phai nhạt, và đó sẽ là hành trang tâm hồn mà mỗi chúng ta mang theo suốt cuộc đời. Tiết dạy đầu tiên mà tôi được đảm nhận trong đợt thực tập sư phạm lần  này đó là Unit 11: National Parks - Language Focus. Tôi đã run run trong những tiếng chào đầu tiên. Từ “Good morning” mà ai cũng biết lại trở nên ngập ngừng với tôi trong giờ phút ấy, cố trấn tĩnh lại mình hít thở thật sâu và tự nhủ lòng cố gắng, tôi dẫn lớp vào bài học theo đúng cái cách mà tôi đã được học ở trên giảng đường, theo cái cách mà tôi đã suy nghĩ và lập sẵn trong trang giáo án đầu tiên của mình. Tiết dạy đầu tiên, ánh mắt học trò với tôi là cả một áp lưc dẫu tôi biết rằng trong những ánh mắt ấy là những lời động viên không lời, rằng: “Cô ơi, cố gắng lên!”. Tiết dạy đầu tiên, nét chữ lúc lên lúc xuống khi viết lên bảng và những thao tác còn chưa thuần thục, thỉnh thoảng còn gặp một số lỗi trong cách phát âm cũng như trong câu lệnh nhưng những sự khích lệ của giáo viên hướng dẫn cũng như các bạn giáo sinh cùng nghành đã tiếp thêm ý chí cho tôi, để tôi có thể tự tin hoàn thành tốt bài giảng. Thở phào nhẹ nhõm ngay sau khi tiếng trống vang lên bởi đó cũng là lúc tôi kết thúc tiết dạy của mình. Tự biết vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng tôi đã cố gắng và đã chiến thắng bản thân. Tôi thấy vui vì điều đó. Tôi vẫn nhớ lời người thầy dạy phương pháp của tôi: “Các em ạ, mỗi một bài dạy là một tác phẩm, trong đó người giáo viên vừa là tác giả,  vừa là biên đạo, đạo diễn và cũng chính là diễn viên. Hãy tích lũy cho mình đủ tất các kiến thức và kỹ năng để làm tốt tất cả các vị trí đó, các em sẽ có một bài dạy thành công”. Nhưng tôi nhận ra rằng có đi thực tập, thâm nhập vào thực tế tôi mới hiểu rõ rằng không phải dễ dàng để có được những bài giảng hay, những giáo án tốt, có trực tiếp làm thì tôi mới biết bản thân mình còn phải cố gắng nhiều. Gần 4 năm ngồi trên ghế nhà trường với những tiết học lý thuyết, tôi đã nhiều lần nghe thầy cô giáo nói về sự vất vả của nghề giáo, thế nhưng khi chưa cọ xát với thực tế thì tôi chưa thể nhận thức được ý nghĩa của những lời giảng ấy. Và rồi đợt thực tập này đã giúp tôi thấm thía hơn rất nhiều. Những đêm trằn trọc đến 2, 3 giờ sáng, mất ăn mất ngủ suy nghĩ soạn giáo án,nên dạy ra sao, dạy thế nào... Đã có những lúc tôi cảm thấy chán nản gần như muốn bỏ cuộc, bỏ mặc tất cả về lại trường và cứ muốn chỉ mãi là sinh viên thôi, tôi không nghĩ là làm một giáo viên lại khó đến như vậy. Nhưng rồi tôi đã thay đổi cách suy nghĩ này và tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi thiết nghĩ tại sao thầy cô giáo của chúng ta đã cống hiến mấy chục năm trời với nghề, với ngành nhưng họ vẫn luôn vui và tự hào vì đã chở bao nhiêu là hành khách sang sông trên chuyến đò tri thức. Tại sao thầy cô làm được, còn chúng ta - những mầm mống tương lai của đất nước,chúng ta có sức khỏe, sức trẻ, tại sao chúng ta lại không thể vượt qua thử thách lần này chứ. Thời gian thực tập cũng đã gần kết thúc rồi, chỉ còn lại 3 tuần nữa. Chúng ta đã vượt qua hơn một nữa chặng đường rồi, vậy thì cũng không có lý do gì để chúng ta không đi hết quãng đường còn lại.

Các bạn sinh viên thân mến, đừng quá lo lắng về kỳ thực tập sư phạm. Dẫu biết nó là thử thách cuối cùng để các bạn trở thành một người giáo viên chính thức. Nhưng đó là quãng thời gian để các bạn “học việc”, nên hãy mạnh dạn thể hiện những kiến thức của mình và tranh thủ học tập kinh nghiệm của những người đi trước. Và 8 tuần thực tập sư phạm cũng chính là một khoảng thời gian ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của một người sinh viên sư phạm. Vẫn biết, còn rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nhưng khi đã chọn cho mình “nghề giáo”, hãy yêu và hãy có tâm với nghề, các bạn sẽ tìm thấy những niềm hạnh phúc riêng, mà không phải một nghề nào khác cũng có được. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nhé!

Copyright © 2024 Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hà Tĩnh. Rights Reserved.