Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

        Tiếp nối chuỗi các hoạt động của học phần Văn hóa - Văn học Anh, tối ngày 29 tháng 10 năm 2017, tại sảnh tầng 1 - A1, Cơ sở mới, Khoa Ngoại ngữ tổ chức Lễ hội Halloween với sự chủ trì của sinh viên Khóa 7 ngành Ngôn ngữ và Sư phạm tiếng Anh. Đây là một hoạt động truyền thống của sinh viên Khoa Ngoại ngữ diễn ra hàng năm.

       Halloween là một lễ hội truyền thống của phương Tây được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ các thánh trong Kitô giáo Latinh. Theo truyền thống, Halloween xoay quanh chủ đề "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết". Các hoạt động truyền thống của lễ hội đã được sinh viên hiện thực hóa như: tiệc hóa trang, chơi trò đớp táo (apple bobbing), xem phim kinh dị, diễn trò trick-or-treat, làm mặt nạ bí ngô và các trò chơi khác.

Các biểu tượng liên quan đến Halloween được hình thành và phát triển theo thời gian. Trước đây củ cải được khoét rỗng thành những chiếc đèn lồng hình mặt quỷ, bên trong cắm 1 cây nến như là một cách tưởng nhớ các linh hồn đang chịu tội. Củ cải vốn được sử dụng ở Ireland và Scotland vào dịp Halloween. Những người nhập cư Bắc Mỹ sử dụng bí ngô, thứ sẵn có và lớn hơn nhiều, giúp cho việc khắc trở nên dễ dàng hơn.

Các hình ảnh của Halloween có nguồn gốc từ nhiều nguồn: thuyết mạt thế, phong tục tập quán, văn học hư cấu Gothic và văn học kinh dị (tiểu thuyết Frankenstein và  Dracula) và phim kinh dị cổ điển (như Frankenstein và The Mommy). Hình ảnh đầu lâu, theo truyền thống của Công giáo, có ý nghĩa như là một sự nhắc nhở về cái chết và tính không bền vững của đời người. Từ đó, đầu lâu trở thành hình ảnh thường thấy trong Lễ hội Halloween. Vào dịp này, các ngôi nhà thường được trang trí bằng các biểu tượng có liên quan đến mùa thu như bù nhìn, bí ngô, vỏ ngô với chủ đề chính là về cái chết, quỷ dữ, quái vật thần thoại. Màu sắc chủ đạo là đen và da cam, đôi khi là tím. Trick-or-treat là một phong tục cho trẻ em vào đêm Halloween. Trẻ em trong trang phục Halloween và xách theo một túi đựng kẹo đi từ nhà này sang nhà khác đòi kẹo, đôi khi đòi tiền bạc với câu hỏi: “trick-or-treat" ("lừa hay lộc" hoặc "cho kẹo hay bị ghẹo"). Những đứa trẻ sẽ nghịch ngợm, chọc phá chủ nhà hoặc tài sản của họ nếu họ không cho kẹo.

        Trang phục Halloween truyền thống theo mô hình nhân vật siêu nhiên như những con quái vật, ma quỷ, bộ xương, phù thủy,... Theo thời gian, việc lựa chọn trang phục mở rộng và bao gồm các nhân vật nổi tiếng từ tiểu thuyết, người nổi tiếng, và các nguyên mẫu chung chung như Ninja và công chúa. Người Celt cổ xưa tin rằng biên giới giữa thế giới này và các thế giới khác trở nên mong manh vào dịp Samhain, cho phép những linh hồn (cả hai loại vô hại và có hại) đi qua. Linh hồn của gia đình, ông bà tổ tiên được vinh danh và mời vào nhà, còn các linh hồn xấu thì bị chặn lại. Người ta tin rằng sự cần thiết để tránh khỏi những linh hồn tà ác dẫn đến việc mặc trang phục và đeo mặt nạ. Mục đích của họ là để ngụy trang mình thành một linh hồn độc ác và do đó tránh bị làm hại.

Chương trình ca nhạc và diễn  thời trang làm cho lễ hội Halloween không chỉ là phần kiến thức phải học mà trở thành một sân chơi yêu thích của sinh viên khoa Ngoại. Lễ hội còn thể hiện được tinh thần đoàn kết, hợp tác và sáng tạo của sinh viên.

        Đêm Lễ hội đã diễn ra rất sôi nổi và thu hút được đông đảo sinh viên tích cực hưởng ứng. Người tham gia lễ hội không những đã có cơ hội hóa trang thành những nhân vật mình yêu thích mà còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những bộ trang phục ấn tượng do các thầy cô giáo, các bạn sinh viên khoa Ngoại ngữ biểu diễn. Không khí lễ hội càng náo nhiệt hơn khi người chơi được hòa mình vào các trò chơi truyền thống, các thước phim kinh dị hay những món ăn, đồ uống hấp dẫn.

        Lễ hội Halloween do Khoa Ngoại ngữ tổ chức đã thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham gia.

 

        Một số hình ảnh của Lễ hội:

 

 

 

 

Copyright © 2024 Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hà Tĩnh. Rights Reserved.