Back To Top
Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vai trò của từ vựng cũng hết sức quan trọng. Có thể thấy một ngôn ngữ là một tập hợp của các từ vựng. Không thể hiểu ngôn ngữ mà không hiểu biết từ vựng, hoặc qua các đơn vị từ vựng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ hiểu các đơn vị từ vựng riêng lẻ, độc lập với nhau, mà chỉ có thể nắm vững được ngôn ngữ thông qua mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị từ vựng. Như vậy việc học từ vựng và rèn luyện kĩ năng sử dụng từ vựng là yếu tố hàng đầu trong việc truyền thụ và tiếp thu một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.
Qua thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên nhận thấy các giáo trình học theo định hướng thi TOEIC có một khối lượng từ mới khá lớn và phong phú, nhưng nội dung truyền tải khá khô khan, từ vựng xuất hiện trong các bài học không theo chủ điểm nhất định, nếu chỉ áp đặt theo giáo trình để giảng dạy thì rất khó gây hứng thú cho sinh viên, từ đó hiệu quả giảng dạy không cao.
Trong quá trình giảng dạy theo giáo trình TOEIC, tôi luôn trăn trở và luôn đặt ra cho mình những câu hỏi: Làm sao để người học thích học tiếng Anh, mà nhất là chịu khó học từ vựng tiếngAnh? Đó là một câu hỏi mà nhiều người dạy luôn băn khoăn và luôn cố gắng đưa ra nhiều hướng giải quyết. Theo tôi, muốn cho sinh viên chịu học, trước hết, người dạy, với tư cách là người điều tiết (moderator) phải khiến cho họ “thích” trước đã. Từ quan điểm đó, tôi xin chia sẻ một số gợi ý trong việc giảng dạy từ vựng có thể được áp dụng trong giáo trình giảng dạy giáo trình TOEIC.
Mục đích lớn nhất là hướng đến khơi gợi động lực tự học của sinh viên, tức là làm họ “thích” học. Chính vì thế, người dạy nên áp dụng một số trò chơi để có thể tạo sự hứng khởi cho người học trong việc học và sử dụng từ mới.Từ đó, giúp người học có cái nhìn trực quan sinh động về từ vựng.Việc áp dụng linh hoạt các trò chơi còn giúp cho việc dạy và học từ vựng vẫn kết hợp được các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và cả hình ảnh minh họa. Khi đã nắm được, sử dụng được, người học sẽ thấy việc học tiếng Anh có mục đích hơn, thích học hơn. Hơn thế nữa, đối với người dạy, việc tư duy và thiết kế các trò chơi sẽ giúp họ luôn năng động, sáng tạo, cảm thấy mình có trách nhiệm, không chỉ là người dạy, người điều tiết, mà còn là người tạo hứng khởi (entertainer) cho người học. Người dạy sẽ thấy gắn bó và yêu nghề hơn. Trong vấn đề giảng dạy từ vựng trong TOEIC, nói chung, các trò chơi có thể giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ngôn ngữ trở nên hữu dụng và dễ hiểu đối với người học. “Trong toàn thể quá trình dạy và học bằng trò chơi, người học có thể tham gia một cách cởi mở và thoải mái. Để có thể thắng trò chơi, mỗi người hay mỗi nhóm cần trả lời được các câu hỏi nêu ra bởi giáo viên hay bởi các người học khác hoặc các nhóm khác” (Bahri, 2004). Và để làm được như vậy họ phải hiểu được những gì mà giáo viên hay những người khác nói ra hoặc viết ra, và họ cũng phải cố gắng nói được hay viết được để có thể trình bày thông tin hoặc diễn tả quan điểm, chính kiến của mình. Đồng thời, một điều cần lưu ý khi dạy từ vựng và cho sinh viên thực hành từ vựng, đó là “cách giải thích bằng lời nói đôi khi khiến người học cảm thấy khó hiểu!Điều quan trọng khi dạy từ vựng là chúng ta cần phải cho người học sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt” (Mercieca, 2010). Như vậy, người dạy cần thiết kế ra nhiều trò chơi với nhiều kiểu linh hoạt để người học không chỉ nghe, nhìn, nói, mà có thể vận động chân tay ở mức độ phù hợp. Từ nhận xét trên, tôi đã áp dụng khá nhiều trò chơi trong giảng dạy từ vựng cho TOEIC như Lucky Wheel, Hangman, What and where, Slap the board, Lucky Number …, các trò chơi này được thiết kế kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa ra nhiều hoạt động cho sinh viên, giúp họ kết hợp được càng nhiều giác quan, và vận động nhiều nhất có thể, đặc biệt gây sự chú ý cao và hứng thú trong học tập. Ví dụ như trò chơi Lucky Wheel. Đây là trò chơi gần giống với games show “Chiếc nón kỳ diệu” của Việt Nam. Trước hết là bước thiết kế, sử dụng Powerpoint để thiết kế trò chơi này. Kịch bản như sau: Giảng viên đóng vai trò MC và trọng tài, lớp học sẽ được phân thành 2 đội chơi, lần lượt từng nhóm trả lời từng câu hỏi, nếu trả lời đúng thì sẽ được quay vòng quay để nhận điểm, nếu sai thì đội khác có thể trả lời. Sau khi các nhóm đã hoàn thành hết toàn bộ câu hỏi thì giảng viên tổng kết điểm của các đội, xếp thứ tự các đội. Giảng viên có thể khích lệ bằng cách cho điểm đội chiến thắng. Điều hấp dẫn của trò chơi này là các nhóm có thể cạnh tranh nhau, đồng thời cũng cần sự may mắn khi quay vòng quay “LuckyWheel”. Khi đưa trò chơi này vào giảng dạy các lớp K6 mà tôi đang giảng dạy thì học sinh rất hứng thú, tập trung cao độ vào bài học sinh động và hiệu quả thấy rõ. Thậm chí sinh viên nhớ ngay các từ giảng viên vừa giới thiệu ngay trên lớp (trò chơi what and where).
Trên đây là một vài chia sẻ trong việc giảng dạy từ vựng Tiếng Anh trong những giáo trình TOEIC. Thiết nghĩ việc áp dụng trò chơi vào thực hành một số từ vựng trong sách thực sự có thể đem lại những tác động tích cực cho sinh viên, nhờ vào chơi trò chơi trong cả lớp, không chỉ các sinh viên lên thể hiện mà các sinh viên đóng vai người nghe cũng cảm thấy hào hứng, sinh viên sẽ thấy hứng thú hơn, nhất là khi được giảng viên cho điểm.
Hy vọng những gợi ý, đề xuất trên có thể là tài liệu tham khảo giúp ích trong hoạt động giảng dạy Tiếng Anh khối không chuyên ngữ theo định hướng TOEIC ở Trường Đại học Hà Tĩnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Paul, E. and Anne, T. (2008) Developing Skills for the Toeic test, Compass Publishing.
2. Victoria, B. (2008) Oxford Learner’s pocket dictionary, Fourth edition- Oxford University Press.